HÃY TRAO CHO CON BẠN 'QUYỀN ĐƯỢC TỰ LẬP' - Vizibook

HÃY TRAO CHO CON BẠN ‘QUYỀN ĐƯỢC TỰ LẬP’

Con cái không phải sản phẩm đi kèm của người lớn, cũng không phải “phiên bản chưa hoàn thành” của người lớn – Đó là lời khuyên của Trần Mỹ Linh một ca sĩ, một nhà văn, tiến sĩ giáo dục, đại sứ thiện chí châu Á của quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, đại sứ nụ cười Hiệp hội chống Ung thư Nhật Bản và hơn hết, cô là một người mẹ nổi tiếng với phương pháp giáo dục độc đáo, đã dạy dỗ 3 cậu con trai vào trường đại học danh giá của Mỹ – Stanford.

Nếu như bạn là một người mẹ hàng ngày vẫn cảm thấy bất lực thốt lên “Tại sao con không giống như bạn Bống, bạn Bin”, hay phải nói với con những câu như “con phải…” hay thường nhìn thấy con nhà người ta rồi trầm trồ “Con nhà chị giỏi nhỉ” … thì cuốn sách “35 điều phụ huynh không nên làm” của Trần Mỹ Linh chính là cuốn sách dành cho bạn.

Con do cha mẹ sinh ra nhưng không phải là “của” cha mẹ

Là cha, là mẹ, ai trong chúng ta cũng luôn mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất và tất nhiên muốn con phải “hơn người”. Thế nhưng, chính những “kỳ vọng” này của cha mẹ đã vô tình khiến cho con trẻ không được sống cuộc sống của riêng mình. Cuốn sách “35 điều phụ huynh không nên làm” là những đúc kết sau nhiều năm nuôi dạy con của một bà mẹ có ba cậu con trai theo học trường đại học danh giá Stanford của Mỹ – Trần Mỹ Linh như một lời nhắc nhở bố mẹ về tầm quan trọng của việc nuôi dạy con cái.

Trong cuốn sách này, tác giả đã kể rất nhiều các câu chuyện thực tế trong quá trình nuôi dạy những cậu con trai của mình. Điều đặc biệt, phía sau mỗi điều Trần Mỹ Linh đưa ra sẽ là những suy nghĩ của cậu con trai lớn Hòa Bình – người đích thân trải nghiệm phương pháp giáo dục từ mẹ. Qua trải nghiệm của cậu, chúng ta có thể cảm nhận được phương pháp giáo dục của Trần Mỹ Linh rốt cuộc có hiệu quả không. Chẳng hạn như có lần câu bé bị bạn bè chê bai ngoại hình hay con bị so sánh với người khác… Cha mẹ nên thừa nhận cảm xúc của con như thế nào? Và làm sao để nuôi con không phải là một cuộc chiến căng thẳng kéo dài giữa cha mẹ và con cái… Tất cả những vấn đề “khó nhằn” đó sẽ được giải quyết khi bạn coi con là một “cá thể độc lập”.

Ngay từ khi sinh ra, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Cha mẹ nên tôn trọng ý nguyện, tiềm lực, cá tính và khả năng của con để bồi dưỡng cho con, mới có thể nâng cao khả năng tự khẳng định bản thân của trẻ. Coi con trẻ là một “cá nhân” độc lập, đối xử nghiêm túc, có như vậy chúng mới không có gì để sợ hãi, dũng cảm theo đuổi ước mơ.

Khi bạn coi con là một cá thể độc lập bạn sẽ không so sánh con với những người khác, tôn trọng “sự khác biệt” của con. Bạn cũng không coi con là những “đứa trẻ con” (mặc dù đúng là thế thật) để mà dạy bảo kiểu “con phải” thay vì đó là “con nên” hay “Con sẽ lựa chọn như thế nào?”. Khi ấy, bạn sẽ trò chuyện thẳng thắn, nghiêm túc và cởi mở với con, chứ không rơi vào tình huống “một chiều”: cha mẹ nói – con nghe hay con nói – cha mẹ im lặng.

Chia sẻ trong cuốn sách, Trần Mỹ Linh tâm sự: quá trình nuôi dạy con cái có rất nhiều việc có thể làm nhưng có một số việc lại tuyết đối không nên làm. Đặc biệt là “những điều tuyệt đối không nên làm” lại rất dễ bị mọi người bỏ qua. Cha mẹ chúng ta thường hay căng thẳng bởi hai chữ “tuyệt đối” đó, thật ra chúng ta có thể biến nó thành niềm vui, sự thú vị trong cuộc sống hàng ngày.

Đừng chỉ để ý đến kết quả hãy quan sát cả quá trình

Bạn sẽ làm thế nào nếu con của bạn vừa lẽo đẽo đi đằng sau,vừa khóc nhè, mè nheo “bố mẹ bế con”? Hay khi con hờn dỗi “Mẹ bế em có phải vì mẹ không thương con?” Hay “Bố mẹ chẳng quan tâm con một chút nào cả?”… Có bố mẹ thì ngay lập tức đưa ra những lời khuyên “Con phải… thì mới tốt” hay phủ nhận “Không phải thế đâu con”.

Trần Mỹ Linh thì lại nghĩ khác: suy nghĩ của trẻ con thật sự quá thú vị, biết vui đùa, biết bày trò, chứng tỏ con đang trưởng thành. Thay vì cáu gắt, cha mẹ nên kiên nhẫn để hưởng thụ quá trình trưởng thành của con. Chỉ cần thay đổi suy nghĩ một chút, những việc vốn khiến mình phiền lòng có thể sẽ biến thành quãng thời gian vui vẻ không gì thay thế được. Chỉ cần đổi góc độ nhìn nhận, bất cứ hành vi nào của con cũng sẽ trở nên vô cùng đáng yêu.
Tác giả chia sẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ hay cáu kỉnh là do nhận được sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ. “Con hãy cố gắng lên một chút nữa, ráng học cho giỏi vào…”- những câu nói tưởng chừng là khích lệ, nhưng lại chứa trong đó rất nhiều áp lực khiến trẻ cảm thấy bị stress. Và khi không đáp ứng được những kì vọng ấy của cha mẹ, trẻ không điều khiển được cảm xúc của bản thân sẽ rất dễ nổi cáu, mè nheo, khóc lóc.

Thay vì bạn cứ chăm chăm để ý đến kết quả thì hãy chú ý đến quá trình. Làm cách nào để giải thích cặn kẽ cho một đứa trẻ dưới 3 tuổi hiểu về một vấn đề nào đó? Trần Mỹ Linh cho rằng: “Chỉ cần nói rõ với con, con sẽ hiểu”. Nếu con chưa hiểu hãy nhắc thêm một lần nữa, cái cha mẹ cần chính là sự kiên nhẫn. Còn điều mà con trẻ cần chính là sự quan tâm.

Con cái nhìn theo cái bóng của cha mẹ mà lớn lên

Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn thường hay nói “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, “con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Đơn giản là vì con cái sẽ nhìn theo cái bóng của cha mẹ mà lớn lên. Trong cuốn sách của mình, Trần Mỹ Linh chia sẻ kinh nghiệm của mình, những việc không hi vọng con làm, thì bản thân bạn cũng không được làm.

Cha mẹ nói với con: “Không được nói xấu người khác”, nhưng mình lại tán gẫu chuyện người khác, nói người khác không tốt, như vậy các con sẽ cho rằng: “Tại sao người lớn nói và làm lại khác nhau?”. Vì thế hãy để ý thái độ của mình trước con cái.

Nếu muốn con có cử chỉ lịch sự nơi công cộng, cha mẹ đầu tiên phải làm gương. Không được để con thấy cha mẹ chỉ bận nói chuyện của mình, lớn giọng làm ồn, thậm chí say xỉn. “Dọa dẫm” cũng xảy ra như vậy. Cha mẹ một mặt nói với các con “Không được ức hiếp người khác” nhưng mình lại nói một đằng làm một nẻo, như vậy các con sẽ tưởng rằng bắt nạt người khác là đúng. Chỉ cần trong xã hội người lớn còn hiện tượng bắt nạt dọa dẫm, vậy thì trong thế giới của trẻ con hiện tượng bắt nạt cũng không biến mất được.

Cuối cùng, Trần Mỹ Linh chia sẻ thêm, dù bạn có áp dụng phương pháp dạy con nào thì quan trọng nhất vẫn là phải xuất phát từ tình yêu thương và sự thấu hiểu con bởi mỗi một đứa trẻ là một thế giới riêng, một nét “tinh quái” riêng rất đáng yêu mà chỉ có ba mẹ mới là người hiểu rõ con mình nhất.

Pingbooks

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.